Bộ trưởng Bộ Nguyễn Văn Hùng: Đủ cơ sở để trình Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

VHO- Hôm qua 8.2, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc, cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt nghe Vụ Gia đình, Vụ Pháp chế báo cáo về việc hoàn thiện Tờ trình Chính phủ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nguyễn Văn Hùng: Đủ cơ sở để trình Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc Ảnh: TRẦN HUẤN

 Lắng nghe các ý kiến đóng góp của các Thứ trưởng và các thành viên trong cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ VHTTDL đã tuân thủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp thẩm định sơ bộ của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Dự án Luật đã nhận được sự đồng tình cao, vì thế cơ quan soạn thảo cần chú ý gấp rút hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thống nhất Dự án luật sẽ còn 6 chương và 75 điều, lược bỏ nội dung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình cho phù hợp với các chính sách chung của nhà nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo là rất khó và nhạy cảm vì vấn đề bạo lực gia đình vốn là của từng gia đình, bởi vậy Bộ VHTTDL tiến hành xây dựng Dự thảo luật một cách thận trọng. Cơ quan soạn thảo đã tổ chức thực hiện lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lần với các Ban, Bộ, ngành và các đơn vị liên quan, đặc biệt là tham vấn nhiều chuyên gia có quá trình gắn bó với việc nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm trong lĩnh vực này.

Quan điểm là Luật phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, đặc biệt chú trọng góc nhìn văn hóa truyền thống. Bộ trưởng nhận định, trong quá trình xây dựng Dự án luật chắc chắn những quy định mới sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các đối tượng liên quan tới luật. Chính vì vậy sự phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ giữa Bộ VHTTDL với các Bộ, ngành để ngăn chặn, răn đe sớm các biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình từ sớm là vô cùng cần thiết. Từ những nội dung đặt ra tại các điều, khoản của Dự án luật cho thấy đã đủ cơ sở để trình Chính phủ phê duyệt hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau 14 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, sự ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với những quy định mới bổ sung là thực sự cần thiết, sẽ góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Cũng tại cuộc họp, đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý đã báo cáo về các nội dung cơ bản của Dự án. Về bố cục Dự án luật gồm 6 chương, 76 điều. So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Dự thảo luật tăng 30 điều, trong đó có 42 điều được quy định mới. Đáng chú ý là những nội dung mới như bổ sung quy định mới về tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở các cơ sở; giảng hòa trong PCBGLĐ, thời điểm giảng hòa; tiêu chuẩn với người tham gia giảng hòa trong PCBLGĐ; các biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình; quản lý người có hành vi bạo lực gia đình; giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình bị áp dụng biện pháp quản lý; biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi nguy cơ cao gây bạo lực gia đình; biện pháp hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình nghiện rượu, bia và các chất gây nghiện khác...

Bổ sung quy định mới về trách nhiệm xác minh, xử lý tin báo về vụ việc bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗtrợngười bị bạo lực gia đình; buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng; hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình; tư vấn pháp lý, tâm lý cho người bị bạo lực gia đình; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn đối với nhân viên tại cơ sở PCBLGĐ; xây dựng mô hình PCBLGĐ ở cộng đồng. 

 Ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Mục đích của Bộ tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội...

Theo đó, Bộ tiêu chí bao gồm 5 nội dung chính như sau: Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí cũng đưa ra một số khẩu hiệu trong gia đình như: “Ứng xử trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”; “Vợ, chồng chung thủy, nghĩa tình”; “Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con cháu”; “Con, cháu hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà”; “Anh, chị, em trong gia đình hòa thuận, chia sẻ”.

“Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”; “Gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con, cháu thảo hiền”; “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”; “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.

V.DƯƠNG

 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc